Hoạt động khó khăn, nhiều doanh nghiệp bất động sản rời thị trường
Lê Hoàng
(TBKTSG Online) - Lĩnh vực bất động sản chứng kiến sự gia tăng cao về số lượng doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động và giải thể, trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rót vào ngành này trong năm qua cũng bị sụt giảm đến gần phân nửa.
 |
Nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bất động sản xin ngừng hoạt động và giải thể nhất trong năm qua. Ảnh minh họa: Lê Hoàng |
Đáng chú ý, ngành kinh doanh bất động sản dẫn đầu về tăng tỷ lệ số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động và giải thể trong năm qua. Cụ thể, báo cáo mới đây của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong năm qua, ngành kinh doanh bất động sản ghi nhận số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động tăng đến 36,8% với gần 600 doanh nghiệp.
Và một điểm đáng chú ý nữa, kinh doanh bất động sản cũng là lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể gia tăng nhiều nhất trong năm qua với gần 690 doanh nghiệp, tăng 39,4% so với năm trước đó. Đặc biệt, trong năm qua không có doanh nghiệp nào được thành lập trong nhóm bất động sản.
Thực tế này phần nào đã phản ảnh doanh nghiệp hoạt động trong ngành bất động sản đang dễ bị tổn thương do quy mô còn khá nhỏ, nguồn vốn phát triển chủ yếu là vốn vay ngân hàng và huy động từ khách hàng. Bên cạnh đó, giới phân tích nhận định hiện nay doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn do chính sách và sự sụt giảm các dự án mới ra thị trường thời gian qua, nhất là khu vực ở TPHCM.
Lãnh đạo Hiệp hội bất động sản TPHCM cũng cho rằng ngành bất động sản năm qua không tăng trưởng cùng với nền kinh tế của đất nước. Đó là giao dịch bất động sản giảm khắp cả nước với khoảng 83.000 giao dịch thành công, giảm 26% so với năm 2018.
Đáng chú ý, việc chênh nhau giữa Luật Xây dựng và Luật Đầu tư cùng các quy định khác khiến các dự án bị trì trệ trên phạm vi cả nước, đặc biệt là TPHCM và Hà Nội. Điều này dẫn đến sự sụt giảm cả về quy mô thị trường, nguồn cung dự án cũng như nguồn cung sản phẩm nhà ở.
Tương tự, gần đây Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng việc các cơ quan chức năng chậm phê duyệt cấp phép xây dựng dự án hay tạm dừng dự án đang triển khai để rà soát, kiểm tra… là nguyên nhân dẫn đến giảm nguồn cung, kéo theo lượng giao dịch bất động sản cũng giảm.
Hiệp hội này cũng dẫn ra hàng loạt khó khăn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đang gặp phải do phải đối mặt với nhiều khó khăn khi phải chờ đợi nhiều bộ luật, văn bản liên quan trong giai đoạn điều chỉnh, hoàn thiện như Luật Quy hoạch, Đất đai, Nhà ở, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản...
Hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản chưa đồng bộ; hành lang pháp lý điều chỉnh thị trường bất động sản, từ công tác đầu tư xây dựng, giao dịch đến quản lý sử dụng bất động sản chậm được hoàn thiện, còn chồng chéo,... Mặt khác, công tác quy hoạch, đền bù, phê duyệt dự án… đều bị siết chặt trong khi nhu cầu triển khai dự án của nhà đầu tư lại rất cao.
Một số doanh nghiệp cho rằng nếu không cải thiện và đưa ra biện pháp giải quyết thì dự báo tình trạng cầu nhiều cung ít vẫn còn tiếp diễn trong năm 2020, làm thị trường mất ổn định. Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ rất khó khăn vì chi phí vốn đội lên nhiều lần, lãi vay ngân hàng tăng và đặc biệt là bị mất cơ hội kinh doanh. Điều này có thể dẫn đến một số doanh nghiệp có thể lâm vào tình cảnh khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản.
Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, trong năm qua dù lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai về vốn cam kết, đạt 3,88 tỉ đô la Mỹ, chiếm 10,2% tổng vốn FDI đầu tư đăng ký, nhưng so với năm 2018 thì bị sụt giảm nhiều. Năm 2018, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản có tổng vốn FDI cam kết 6,6 tỉ đô la, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trao đổi với TBKTSG Online trước đó, một số nhà đầu tư nước ngoài, đáng chú ý là nhà đầu tư Nhật Bản cho biết họ e ngại về thủ tục đầu tư các dự án về bất động sản ở Việt Nam. Các nhà đầu tư Nhật Bản phản ánh rằng họ phải thực hiện nhiều thủ tục khác nhau dẫn đến dự án bị chậm trễ triển khai và tổn thất về kinh tế rất lớn.